Quốc hội đã tạo mọi điều kiện về thể chế để thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách phòng, chống dịch

(Mặt trận) - "Nghị quyết số 30 là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành; huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh", Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh tại phiên họp của Quốc hội sáng nay, đồng thời khẳng định, Quốc hội đã tạo mọi điều kiện về thể chế để thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách phòng, chống dịch Covid - 19.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu. Ảnh: Quang Khánh 

Tiếp tục chương trình Kỳ họp họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội đã nghe Báo cáo tóm tắt của Chính phủ đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Báo cáo thẩm tra tóm tắt của Ủy ban Xã hội về Báo cáo của Chính phủ đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết 30 và Tờ trình của Chính phủ đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết 30 về các chính sách phòng, chống dịch Covid - 19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Sớm hoàn thiện pháp luật để ứng phó với tình trạng tương tự trong tương lai

Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, Nghị quyết số 30 là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành; huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh.

"Quốc hội đã phát huy vai trò là người đại diện của Nhân dân, tích cực, chủ động đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt thể chế, cùng Chính phủ triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách phòng, chống dịch theo phương châm đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết. Đây là quyết định đúng đắn, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân; khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. 

Về kết quả triển khai thực hiện các chính sách tại Nghị quyết 30, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, các chính sách đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ đã chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp theo quy định tại Nghị quyết số 30 góp phần kiểm soát thành công tình hình dịch bệnh Covid - 19 và chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch kịp thời, đúng đắn tại những thời điểm quyết định.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thành công của việc thực hiện Nghị quyết số 30 là minh chứng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sự hỗ trợ quý báu của cộng đồng quốc tế; sự chỉ đạo, lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương, sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh khẳng định, sau gần 1,5 năm triển khai một cách khẩn trương, kịp thời, hiệu quả, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, Nghị quyết 30 đã góp phần đưa công tác phòng, chống dịch Covid - 19 đạt được nhiều thành tựu, đất nước cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế - xã hội đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.

Trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng kết quả và chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện từng chính sách được Quốc hội quy định tại Nghị quyết 30, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm chỉ đạo hoàn thiện pháp luật để ứng phó với tình trạng tương tự trong tương lai. Đồng thời, thông qua Nghị quyết của Quốc hội để ghi nhận những thành quả của công tác phòng, chống dịch Covid - 19; tạo cơ sở pháp lý, cho phép tiếp tục thực hiện một số chính sách để giải quyết các vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch Covid - 19 và cho phép bổ sung tại dự thảo Nghị quyết quy định: “đối với các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid - 19 đã thực hiện theo các quy định, chính sách, hình thức văn bản ban hành theo Nghị quyết 30 thì, khi thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh toán, quyết toán và các hoạt động thi hành pháp luật khác cần được đối chiếu, áp dụng theo các quy định, đặc thù quy định tại Nghị quyết 30”.

Đối với Chính phủ, Ủy ban Xã hội đề nghị tiếp tục chỉ đạo việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống dịch bệnh, tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; khẩn trương giải quyết các khó khăn, hạn chế trong việc chi trả cho lực lượng được điều động, huy động tham gia công tác phòng, chống dịch Covid - 19, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế và người bệnh Covid - 19; có giải pháp để tăng tốc độ giải ngân khi thực hiện một số chính sách của Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và có giải pháp thực hiện năm 2023.

Cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, quy trình gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc

Trước dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, trên cơ sở tổng kết, đánh giá và các bài học kinh nghiệm trong triển khai các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Nghị quyết số 30, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Chính phủ đề nghị Quốc hội chuyển tiếp thực hiện một số quy định.

Cụ thể là, các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 của cơ sở y tế và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trước ngày 31.12.2022 theo các quy định của Nghị quyết số 30 và các văn bản hướng dẫn mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thực hiện thanh toán theo các quy định tại Nghị quyết số 30 và các văn bản hướng dẫn bảo đảm hoàn thành trước ngày 31.12.2023. Về cơ chế thanh toán chi phí phòng, chống dịch Covid-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19 đang thực hiện theo Nghị quyết số 30 được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31.12.2023.

Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép: “Từ ngày 1.1.2023 đến hết ngày 31.12.2024, giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đã nộp hồ sơ gia hạn mà chưa được gia hạn theo quy định Luật Dược thì được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày ngày 31.12.2024 đối với các trường hợp sau: thuốc, nguyên liệu làm thuốc không thuộc trường hợp bị thu hồi giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Điều 58 Luật Dược 2016; thuốc, nguyên liệu làm thuốc không thuộc trường hợp có dấu hiệu không an toàn cho người sử dụng theo quy định tại khoản 6 Điều 77 Luật Dược 2016; thuốc, nguyên liệu làm thuốc không thuộc trường hợp cần phải tiếp tục theo dõi an toàn, hiệu quả theo kết luận của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định tại khoản 6 Điều 56 của Luật Dược 2016". Đề nghị giao Bộ Y tế có trách nhiệm rà soát, công bố danh mục trên trang thông tin điện tử các thuốc đáp ứng các tiêu chí nêu trên. Quy định tại mục này có hiệu lực thực hiện từ ngày 1.1.2023.

"Trên cơ sở các đề xuất nêu trên, Chính phủ đã dự thảo nội dung đề xuất đưa vào Nghị quyết của Quốc hội kèm theo Tờ trình riêng để Quốc hội xem xét, quyết định nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong giai đoạn tới", Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu. Ảnh: Quang Khánh 

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí sự cần thiết chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cũng "thống nhất cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt để khắc phục tình trạng tồn đọng việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hiện nay"; đồng thời, đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ, bền vững và lâu dài để giải quyết các vướng mắc, bất cập được nêu tại Tờ trình số 494, đồng thời, nhấn mạnh một số khía cạnh sau:

Việc chậm thanh toán chi phí trong điều trị cho người bệnh Covid-19, chế độ hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch Covid-19 làm ảnh hưởng tới các cơ sở y tế, tâm lý y, bác sĩ và đội ngũ tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Việc giấy đăng ký lưu hành thuốc không được gia hạn kịp thời xảy ra từ trước khi bùng phát dịch Covid - 19 và trầm trọng hơn do tác động của dịch Covid-19. Để giải quyết những khó khăn trong việc cấp giấy đăng ký lưu hành trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30.12.2021 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Quy định này cơ bản đã giải quyết được khó khăn, vướng mắc về vấn đề giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong năm 2022, song trong 2 năm 2023-2024 dự kiến sẽ cần tiếp tục gia hạn cho trên 12.400 thuốc.

"Như vậy, tuy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định cơ chế nhưng Chính phủ, Bộ Y tế vẫn chưa tận dụng được cơ hội để giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến đăng ký lưu hành thuốc. Tình trạng này có thể tái diễn nếu ngành y tế không bố trí đủ nguồn nhân lực và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính cũng như quy trình gia hạn", Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh. 

Về đề nghị cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ, theo đó, cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2023 đến ngày 31.12.2024 được cơ sở đăng ký nộp hồ sơ gia hạn mà chưa được gia hạn kịp thời theo quy định của Luật Dược từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31.12.2024 trên cơ sở danh mục do Bộ Y tế công bố.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị quy định nội dung này tại một Điều riêng do không còn liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 và thể hiện như quy định tại Điều 3 của dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh lý.

Ngoài ra, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương rà soát các thuốc đã nộp hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, đủ điều kiện được gia hạn theo quy định của dự thảo Nghị quyết để có thể công bố ngay khi Nghị quyết có hiệu lực nhằm hạn chế tối đa tình trạng thiếu thuốc có thể xảy ra; đánh giá kỹ lưỡng nguồn lực hiện tại để có giải pháp khắc phục, bảo đảm không lặp lại tình trạng tồn đọng một lượng lớn hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc chưa được giải quyết như hiện nay.